Côn trùng là nhóm động vật đa dạng nhất hành tinh và hầu như ngày nào chúng ta cũng bắt gặp chúng, ở bất cứ đâu, mọi thời điểm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điều về những cậu bạn 6 chân này mà chúng ta chưa từng biết đến và dưới đây là 20 sự thật thú vị được LiveScience tổng hợp:
Lịch vạn niên - Xem lịch âm dương
visa on arrival Vietnam
1. Là sinh vật thành công nhất quả đất: Cho đến hiện tại, các nhà khoa học đã lập được danh sách khoảng 1,5 triệu loài sinh vật có mặt trên Trái Đất trong đó côn trùng chiếm đến 2/3 theo báo cáo thường niên của Viện khoa học quốc gia Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tổng số loài trên Trái Đất theo ước tính có thể lên đến gần 9 triệu loài và 90% được cho là thuộc về nhóm Insecta hay côn trùng. Những lý do làm nên sự thành công của côn trùng bao gồm kích thước nhỏ bé giúp dễ dàng ẩn nấp và giảm thiểu nhu cầu năng lượng; thức ăn đa dạng, cả thức ăn tự nhiên lẫn nhân tạo; sở hữu bộ xương bảo vệ bên ngoài cứng cáp; thường có cánh, giúp chúng có thể di chuyển đến những nơi an toàn, trú ẩn và tìm bạn đời; và cuối cùng là khả năng sinh sản phi thường.
2. Bọ cánh cứng chiếm đa số: Bọ cánh cứng thuộc một bộ côn trùng có tên Coleoptera và được biết đến là nhóm sinh vật có sự đa dạng sinh học cao nhất với hơn 380.000 loài đã được phát hiện tính đến hiện tại, chiếm 40% trên tổng số các loài côn trùng.
3. Trái Đất là hành tinh của kiến: Ngay khi đang đọc những dòng này thì hẳn bạn cũng có thể bắt gặp một chú kiến đang bò ngang và nhất là vào thời tiết này thì chúng sẽ bò theo cả hàng dài trên tường hay sàn nhà bạn. Nhiêu đây thôi đủ để khẳng định kiến là loài côn trùng đông nhất trên quả đất. Trong cuốn sách The Ants từng đạt giải Pulitzer năm 1990, 2 nhà sinh vật học nổi tiếng Bert Holldobler và E. O. Wilson từng đưa ra ước tính rằng tại mọi thời điểm, có khoảng 10 nghìn triệu triệu (10^15) con kiến trên Trái Đất. Nếu căn cứ theo dân số toàn cầu là 7,3 tỉ người thì mỗi người tương đương với 1,4 triệu con kiến.
4. Côn trùng có mặt trên hầu hết các châu lục, trừ một nơi: Mặc dù côn trùng có thể được tìm thấy trên hầu như mọi nơi trên Trái Đất nhưng có một lục địa vắng bóng loài vật 6 chân này đó là châu Nam Cực. Trên thực tế tại Nam Cực chỉ có một loài được xem là côn trùng, cụ thể là một loài ruồi không có cánh với tên khoa học là Belgica antarctica được phòng thí nghiệm nghiên cứu tác dụng của nhiệt độ thấp đối với các hệ sinh học và sinh lý-sinh thái tại đại học Miami, Ohio phát hiện. Loài ruồi nhỏ bé này chỉ dài khoảng 0,2 đến 0,58 cm nhưng vẫn được xem là loài động vật trên cạn lớn nhất châu Nam Cực. Nó có khả năng thích nghi rất tốt đối với điều kiện khắc nghiệt tại Nam Cực, chẳng hạn như có thể chịu được nhiệt độ đóng băng nhờ chất lỏng đặc biệt trong cơ thể và sở hữu một "lớp da" màu tím-đen có thể hấp thụ nhiều ánh nắng mặt trời thấy được để giữ ấm cơ thể.
5. Những kẻ thích sống trên cạn: Nếu mắc bệnh sợ côn trùng, Nam Cực là một nơi mà bạn có thể trốn biệt trước những người bạn loe ngoe này. Tuy nhiên, đây không phải là nơi duy nhất. Nên nhớ rằng 70% bề mặt Trái Đất được bao phủ bởi các đại dương. Tại sao côn trùng lại thất bại trong việc di trú trong vùng sinh quyển lớn nhất của hành tinh? Không ai biết rõ tại sao nhưng nhiều lý giải đã được đưa ra, chẳng hạn như các đại dương không có cây cỏ làm thức ăn đồng thời côn trùng không thể phát huy tập tính ẩn nấp như trên đất liền; nước biển quá mặn … nhưng cũng có lý giải cho rằng loài giáp xác - một họ hàng gần gũi của côn trùng đã tiến hóa để có thể thích nghi tốt với môi trường biển.
6. Thở bằng lỗ: Côn trùng không thở bằng miệng hay mũi, chúng hít khí oxy và nhả CO2 thông qua các lỗ được gọi là lỗ thở (spiracle) nằm trong lớp vỏ ngoài. Những chiếc lỗ này thường nằm dọc theo ngực và bụng của côn trùng. Kì lạ hơn, hệ thống hô hấp của côn trùng không liên kết với hệ thống tuần hoàn như con người hay nhiều loài động vật khác với phổi đóng vai trò trao đổi khí với dòng máu. Thay vào đó, côn trùng sở hữu một mạng lưới tim và mạch máu dạng ống được gọi là hệ thống ống khí, có chức năng phân phối oxy và vận chuyển CO2 ra khỏi mỗi tế bào trong cơ thể.
7. Tắm máu: Nói đến hệ thống tuần hoàn, côn trùng rất khác biệt với con người. Thay vì sở hữu các mạch máu kín chẳng hạn như động mạch hay tĩnh mạch đưa máu đi xung quanh cơ thể, côn trùng sở hữu một hệ thống tuần hoàn mở trong đó "máu" được gọi là hemolymph bao phủ toàn bộ các cơ quan. "Tim" của côn trùng là một mạch máu được phân khúc và chia tách chạy dọc theo lưng của côn trùng. Mạch máu này chịu trách nhiệm đưa hemolymph đến và ra khỏi đầu, từ đây mạch máu vòng trở lại các phần còn lại của cơ thể. Hemolymph thường trong suốt nhưng cũng có thể có màu xanh hoặc vàng.
8. Sinh vật thời tiền sử: Những hóa thạch côn trùng cổ xưa nhất ước tính có tuổi thọ khoảng 400 triệu năm. Qua đó gợi ý rằng côn trùng là một trong số những động vật đầu tiên chuyển dịch từ biển sang đất liền. Nói cách khác, côn trùng có trước khủng long khoảng 170 triệu năm.
9. Côn trùng không nhỏ bé: Loài côn trùng có kích thước lớn nhất từng được biết đến là Meganeuropsis - một loài chuồn chuồn cổ đại từng thống trị bầu trời với sải cánh dài đến 0,8 m. Meganeuropsis ăn các loài côn trùng khác và những loài sinh vật lưỡng cư trong thời đại của chúng, cách đây từ 290 đến 250 triệu năm.
10. Những con quái vật và những kẻ tí hon: Loài côn trùng nặng cân nhất được tìm thấy ngày nay là một loài dế khổng lồ tại New Zealand, trọng lượng của chúng có thể lên đến gần nửa kg. Nói về chiều dài, loài bọ que nhiều chân có tên khoa học Phobaeticus chani đến nay vẫn giữ kỷ lục về loài côn trùng dài nhất thế giới. Đây là một loài côn trùng bản địa trên đảo Borneo và nó có thể đạt chiều dài khi kéo dãn hết các chân đến 66 cm. Vậy đâu là loài côn trùng nhỏ nhất? Danh hiệu này thuộc về một loài ruồi cánh tiên đến từ Costa Rica, tên khoa học là Dicopomorpha echmepterygis. Nó có chiều dài chỉ 0,014 cm.
11. Côn trùng có rất nhiều mắt nhưng không phải mỗi mắt là một mắt: Một đặc điểm nổi bật của côn trùng là mắt kép, nó bao gồm rất nhiều đơn vị thị giác gọi là mắt con. Vẫn có một quan niệm cho rằng mỗi đơn vị thị giác đóng vai trò là một con mắt riêng biệt và mỗi con có thể cảm nhận được toàn bộ vùng quan sát. Tuy nhiên, trên thực tế mỗi mắt con lại đóng vai trò như một điểm ảnh nhiều hơn và cùng nhau chúng tạo thành một hình ảnh khảm. Chuồn chuồn thường được xem là loài côn trùng có bộ mắt kép ấn tượng nhất với số lượng mắt con theo nghiên cứu lên đến 30.000 đơn vị trên mỗi nửa cầu mắt. Những mắt con này mang lại trường quan sát gần 360 độ, giúp chuồn chuồn có thể dễ dàng phát hiện mối nguy hiểm cũng như con mồi đang bay trên trời.
12. Đã nhiều mắt lại có mắt "bonus": Bên cạnh 2 mắt kép lớn trên mỗi bên đầu thì một số loại côn trùng còn sở hữu các mắt đơn (ocelli) nằm giữa "trán". Nhiều loại côn trùng bay có mắt đơn tạo thành một hình tam giác với 2 mắt đơn đặt cân xứng phía trên một mắt đơn thứ 3 đặt ở trung tâm. Tuy nhiên, dù biết là côn trùng có mắt đơn nhưng chức năng của chúng vẫn khiến các nhà nghiên cứu lúng túng lâu nay. Những nghiên cứu gần đây cho rằng mắt đơn, chẳng hạn như trên chuồn chuồn dường như chỉ dành riêng cho chức năng cảm nhận ánh sáng, đặc biệt là để phân biệt đường chân trời. Nhờ vậy, những con chuồn chuồn có thể nhanh chóng phân biệt được trên/dưới khi thực hiện các động tác bay nhào lộn. Chức năng của mắt đơn cũng giống như một cảm biến độ cao hỗ trợ đắc lực cho những chiếc máy bay có hay không có người lái.
13. Bay rất nhanh: Jerry Butler - giáo sư danh dự của khoa nghiên cứu sâu bọ thuộc đại học Florida từng thí nghiệm tốc độ bay của một cá thể đực của loài mòng Hybomitra hinei wrighti so với một viên đạn bắn ra từ súng trường. Kết quả đo được cho thấy loài mòng nhỏ bé có thể bay ở vận tốc khoảng 145 km/h - một kỷ lục về tốc độ đối với côn trùng.
14. Sống rất lâu: Hầu hết côn trùng đều có tuổi thọ từ vài ngày hoặc vài tháng khi đã trưởng thành, phần lớn thời gian còn lại chúng thường sống dưới dạng ấu trùng và nhộng, 2 giai đoạn này chiếm đến 3 phần tuổi đời của côn trùng. Tuy nhiên thế giới côn trùng đa dạng vẫn có những ngoại lệ, cụ thể là trong bộ Hymenoptera (như kiến, ong), những con kiến chúa hay ong chúa có thể sống nhiều thập kỷ. Một ví dụ như loài kiến đỏ Pogonomyrmex barbatus, những con kiến chúa có thể sống đến 30 năm theo một nghiên cứu được công bố trên tờ Journal of Animal Ecology năm 2013. Kỷ lục về tuổi thọ trong thế giới côn trùng chính là những con mối chúa, có thể sống đến nửa thế kỷ.
15. Đẻ rất nhiều: Nói đến chuyện sinh sản, loài mối tiếp tục nắm giữ vị trí đầu bảng. Những con mối chúa có thể đẻ từ 6000 đến 7000 trứng chỉ trong 1 ngày. Các nhà nghiên cứu côn trùng đã từng nghiên cứu một cá thể mối chúa thuộc loài Macrotermes hellicosus sống tại châu Phí và Đông Nam Á, mỗi 2 giây nó có thể đẻ một quả trứng và mỗi ngày cho ra đời khoảng 43.000 trứng, đẻ liên tục không nghỉ.
16. Nhảy cũng rất cao: Những vận động viên bóng rổ nhà nghề NFL hay NBA thường nắm giữ những kỷ lục bật nhảy tại chỗ, theo nhiều ghi nhận là vào khoảng 117 cm. Trong khi thực tế rằng con người không thể nhảy cao hơn chiều cao của chính mình thì côn trùng lại có thể làm điều ngược lại. Một loài ve nhảy có tên khoa học là Philaenus spumarius có thể nhảy cao gấp 100 lần so với chiều cao của nó, khoảng 71 cm và hiện đang nắm giữ kỷ lục nhảy cao trong thế giới côn trùng.
17. Và khỏe như … bọ ăn phân: Vào năm 2010, các nhà khoa học đã kết luận rằng những con bọ khỏe nhất trong thế giới côn trùng đến từ chi Onthophagus taurus, chúng gồm bọ sừng ăn phân, bọ ăn phân đầu bò và bọ hung taurus. Với tập tính vê phân thành cục tròn làm nguồn thức ăn, những con bọ thuộc chi này có thể đẩy những cục phân có khối lượng gấp 1141 lần so với trọng lượng cơ thể. Thử tưởng tượng nếu bạn nặng 70 kg, bạn có thể đẩy được một vật nặng đến gần 80 tấn.
18. Chuyện ấy ấy: Nhiều loài côn trùng có tập tính ... cột bạn tình theo đúng nghĩa đen. Để ngăn những "thằng" khác giao phối với con cái đã chọn, con đực của một số loài côn trùng thường kè kè bên cạnh hay nói chính xác là bám chặt lên bạn tình suốt nhiều ngày. Một ví dụ như loài bọ que Ấn Độ, tên khoa học Necroscia sparaxes có thể ở bên bạn tình đến 79 ngày. Tuy nhiên, khoảng thời gian này không hoàn toàn dành cho việc giao phối. Các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều loài bọ que khác và phát hiện ra thời gian kết đôi ngắn hơn rất nhiều, khoảng 5 ngày rưỡi và điều đáng chú ý là sự tiếp xúc sinh dục chỉ diễn ra trong khoảng 40% các cặp đôi bọ que. Bọ que đực có một bộ phận siết chặt gồm một bộ chân sau đặc biệt có thể giữ chặt bọ cái, không cho nó chạy trốn hay đi lạc. Nói chung mấy anh bọ que này thích ở cạnh người yêu nhiều hơn là làm chuyện ấy ấy, không rõ tâm lý của mấy chị bọ que thế nào
19. Thời trang "tai": Côn trùng cũng có tai nhưng mỗi loài lại có một kiểu tai khác nhau giống như thời trang vậy và rất hiếm khi tai mọc trên đầu. Chẳng hạn như các loài thuộc bộ cánh gân Neuroptera có tai đặt trên các cánh. Trong khi đó, dế hay muỗm lại có các mảng nhạy âm thanh mỏng trên các chân. Châu chấu mặc dù khá giống muỗm hay dế nhưng lại có tai đặt ở bụng. Tachinid - một loài ruồi ký sinh có tai đặt ở cổ trong khi nhiều loài ngài cánh hẹp lại có khả năng phát hiện rung động siêu âm nhờ những thành phần đặc biệt trong miệng để tránh sự săn đuổi của dơi.
20. Tất cả bọ đều là côn trùng nhưng không phải tất cả côn trùng đều là bọ: Nói chính xác thì bọ chỉ là một bộ côn trùng có tên Hemiptera hay bộ cánh nửa. Những con bọ "đích thực" được phân biệt nhờ phần miệng có cấu tạo giống cây kim dưới da. Cấu tạo miệng như vậy rất lý tưởng để những con bọ có thể chọc vào mô để hút chất lỏng, có thể là từ các loài côn trùng khác, thực vật hay thậm chí là con người như bọ xít hút máu.